Sau 15 năm kể từ khi ra mắt phiên bản đầu tiên, Call of Duty đã trở thành một trong những game có sức hút truyền thông mạnh mẽ nhất. Với Call of Duty: Black Ops 4 – Thay đổi là cách duy nhất để tồn tại.
Xem thêm:
- Tất tần tật những điều cần biết về chế độ "PUBG" trong Call of Duty: Black Ops 4
- Tải Game 7554 - Điện Biên Phủ - Game Chiến Tranh Việt Nam
- Tải Game GTA 5 Việt Hóa Full 100% PC
Ai cũng biết đến nó, giống như League of Legends vậy. Những chiến dịch truyền thông quy mô lớn trên mạng internet, trên truyền hình và những sự kiện lớn tại Mỹ như Super Bowl đã khiến độ phủ của series game này trở nên vô cùng rộng lớn.
Ngần ấy năm gắn bó với Call of Duty, mình vô tình nhận ra một điều. Cách mỗi phiên bản game mới ra mắt cũng chẳng khác gì việc một chiếc iPhone mới được Apple giới thiệu cả. Người ta có thể yêu thích nó, chê bai nó, nhưng không thể nào lờ đi sự tồn tại của nó. Mọi trang tin, mọi tờ báo từ lớn đến nhỏ đều dành những dòng title lớn cho Call of Duty. Cùng với những cái tên trong làng esports thì chính trò chơi bắn súng này đã có tác dụng giới thiệu game đến với những người chưa biết gì về giải trí tương tác.
Điều này dẫn chúng ta đến với Black Ops 4. Quá trình giới thiệu và ra mắt tác phẩm mới của Treyarch không khác chút gì hồi giữa năm 2017, khi những tin đồn liên quan tới chiếc iPhone X được rò rỉ, với tai thỏ và màn hình tràn viền vậy. Thay đổi quá lớn ắt sẽ tạo ra những ý kiến trái chiều đến mức tiêu cực. Black Ops 4 cũng không khác biệt khi lần đầu tiên trong vòng 15 năm, một phiên bản Call of Duty không có phần chơi đơn theo cốt truyện, mà bắt anh em nhảy vào multiplayer ngay.
Việc bỏ qua mục chơi campaign giúp Treyarch có thêm thời gian và nhân lực thực hiện hai mục chơi cuốn hút hơn cả multiplayer, đó là Zombies và Blackout. Những anh em đã quen với các bản Black Ops hẳn đều đã quen với chế độ Zombie với cốt truyện riêng rất cuốn, còn Blackout, về cơ bản, không khác gì một màn chơi Battle Royale nơi 100 người cùng chiến đấu để trở thành người hoặc đội sống sót cuối cùng.
Mình thực sự có cảm giác, Black Ops 4 là ba game tồn tại song song, bên trong bản cài dung lượng hơn 60GB trên PC. Việc đánh giá độc lập ba chế độ chơi này, thiết nghĩ là điều nên làm.
Vậy rốt cuộc, với những thay đổi lớn trong cả kết cấu trò chơi, lẫn lối chơi, liệu bản nâng cấp "tai thỏ" của Call of Duty, Black Ops 4 có làm được điều mà Advanced Warfare năm 2014 và Infinite Warfare năm 2016 không làm được?
Multiplayer
Nói là không có campaign không có nghĩa Black Ops 4 không có cốt truyện. Bản chất Black Ops 4 mình có thể nói là trò chơi có bối cảnh diễn ra trước những sự kiện của Black Ops 3, khi công nghệ DNI kết nối trực tiếp trí não con người trở thành vũ khí đầy nguy hiểm. Những đoạn phim cắt cảnh nói về hai nhân vật Savannah và Jessica Mason, hai cô con gái của David Mason trong Black Ops 2, cũng như quá khứ của 10 lớp nhân vật có mặt trong phần chơi mạng đều được mô tả rất kỹ trong mục Specialist Headquarters. Nó đóng vai trò như một phần chơi đơn nho nhỏ, vừa cho anh em hiểu cốt truyện, lại vừa là một mục hướng dẫn chơi với đủ chế độ từ Team Deathmatch, Control đến Hardpoint, những chế độ rất quen thuộc trong Call of Duty.
Mình nghĩ anh em muốn làm quen với game rất nên hoàn thành chế độ này, mất khoảng 2 đến 3 tiếng chơi và xem cắt cảnh, y hệt campaign chơi đơn để hiểu rõ cốt truyện trước khi nhảy vào multiplayer.
Khác biệt cơ bản nhất của multiplayer trong Black Ops 4 so với mọi phiên bản Call of Duty khác chính là việc hiển thị thanh máu của đối phương, và anh em sẽ không được tự động hồi máu khi nấp vào nơi an toàn khỏi tầm bắn của địch như trước nữa. Thay đổi này một phần có thể khiến anh em nghĩ game dễ hơn trước khi biết lượng máu của địch, nhưng trái ngược lại, họ cũng biết anh em còn bao nhiêu máu, và việc ấn X để hồi máu sẽ là việc anh em phải làm quen, và làm rất thường xuyên nếu không muốn hồi sinh liên tục giữa trận đấu.
Nhắc đến 10 lớp nhân vật trong game, những kỹ năng riêng của từng người trong đội của anh em khiến Black Ops 4 giống như một game hành động nhập vai, với tốc độ rất cao, thay vì một game bắn súng thông thường nơi mọi nhân vật đều có kỹ năng tương đồng, như CS:GO chẳng hạn. Dù rằng mình cảm thấy Black Ops 4 có gameplay không khác nhiều so với WWII xét về yếu tố chạy bắn, nhưng bản thân điểm cộng tạo ra khác biệt và cuốn hút riêng của trò chơi này chính là những kỹ năng Specialist Ability. Lấy ví dụ khẩu súng phóng lựu của Battery có thể hạ gục đối phương đang nấp sau rào chắn một cách dễ dàng, hay Vision Pulse qua cặp kính tầm nhiệt của Recon không khác gì wallhack, có thể báo cho đồng đội những đối thủ phía sau bờ tường.
Dĩ nhiên vì quá bá đạo, chẳng khác gì hack như thế này, Specialist Ability hoạt động giống skill ulti của những nhân vật trong Overwatch, phải hồi theo thời gian mới được dùng, nếu không thì bất công cho đối phương quá. Bù lại nếu chưa cooldown xong kỹ năng thượng thừa, anh em vẫn còn những món trang bị dành riêng cho từng lớp nhân vật, như trái lưu đạn mù 9-Bang của Ajax, hay Mesh Mine của Nomad, rất tiện để bắt đối thủ đang chạy mà không để ý đến xung quanh.
Ngoài những kỹ năng riêng mô tả kể trên, hệ thống vũ khí của Black Ops 4 vẫn tương đối đồ sộ, cả về lựa chọn tầm gần, tầm xa cho đến phụ kiện trang bị trên từng loại súng. Dĩ nhiên anh em vẫn phải cày, mà mình nói thật là cày rất nhiều mới đủ để mở khóa toàn bộ vũ khí trong game. Cách Treyarch giữ chân anh em ở lại với game không phải bằng hệ thống Prestige cày lại cấp từ đầu như những phiên bản trước để đổi lấy những mặt huân chương đẹp mắt chưng cho đối thủ phải nể sợ.
Thay vào đó, họ lấy hệ thống vũ khí từ Assault Rifle, Submachine Gun đến cả Sniper Rifle cộng với những phụ kiện trang bị cho vũ khí để áp cho từng lớp nhân vật theo ý thích của người chơi. Anh em có thể xài lớp nhân vật Recon với Sniper Rifle để áp chế đối thủ tầm xa, hoặc dùng Submachine Gun để vừa chạy vừa bắn vì có kỹ năng soi map bá đạo. Nhìn chung, để tìm hiểu và phát huy hết khả năng của từng lớp nhân vật cũng tốn kha khá thời gian chiến đấu trong game. Nó giống như việc chọn tướng DOTA 2 nhưng đi theo hướng khác so với bình thường để xem nhân vật mạnh và yếu ở điểm nào.
Việc loại bỏ campaign cho phép mục chơi mạng được chăm chút tỉ mỉ đến từng chi tiết, và mình nhận ra đây là mục chơi cuốn hút thứ 2 trong toàn bộ Black Ops 4, chỉ sau…
Zombies
Treyarch làm game rất giỏi, nhất là ở khâu lồng ghép cốt truyện vào mỗi phiên bản Call of Duty. Thế nhưng mục chơi mà anh em ít quan tâm hơn lại là nơi khả năng của các nhà biên kịch của hãng game này tỏa sáng. Câu chuyện giả tưởng từ thế chiến thứ 2 khi Group 935 phát hiện ra Element 115 và cái cách nguyên tố bí ẩn này biến con người trở thành zombie, cũng như những thảm họa tạo ra những thế giới song song y hệt trong truyện tranh Marvel được lồng ghép rất tinh tế và điệu nghệ trong từng màn chơi ghê rợn của chế độ Zombie.
Lần này, không chỉ một mà có tới hai tuyến cốt truyện song song trong Zombies của Black Ops 4. Chaos Story đưa anh em tới xác con tàu Titanic nổi tiếng để phát hiện ra rằng, người chết trên con tàu này không phải vì đâm phải tảng băng trôi khổng lồ, mà là vì một món cổ vật mang tên Sentinel Artifact có khả năng điều khiển trí óc biến tất cả trở thành zombie. Giữa con tàu chật chội, cảm giác đối mặt với những đàn zombie đông như kiến quả thật không dễ chịu chút nào.
Trong khi đó, Aether Story tiếp tục đưa anh em đến với câu chuyện gốc của tiến sĩ Edward Richtofen, cùng những nhân vật quen thuộc như Tank Dempsey và Takeo Masaki. Không chỉ dừng ở một chuyến phiêu lưu, hai thế giới song song Primis và Ultimis sẽ gặp nhau trong phiên bản này. Thực tế thì mình thấy cốt truyện của Zombie trong World at War và Black Ops series đủ sức làm một series game riêng, và anh em cũng nên tìm hiểu trước để đỡ bỡ ngỡ vì sao nhân vật mình điều khiển lại có hành động kỳ lạ trong quá trình chơi game. Những màn chơi của Zombies trong Black Ops 4 có thể chia thành 3 cốt truyện độc lập, hoàn chỉnh.
So với Zombies trong WWII, Black Ops 4 điên cuồng hơn nhiều, và phức tạp hơn nhiều với hệ thống “chế tạo” thuốc power up cho phép anh em có được những sức mạnh tức thời, hạ gục zombie nhanh hơn để tập trung vào những objective khác, từ đó tiếp nối câu chuyện đang diễn ra. Một điểm mình rất thích ở Zombies kỳ này là anh em có thể mời bạn bè vào chung 1 room 4 người, và chỉnh độ khó, số lượng zombie, chỉnh cả sức mạnh của vũ khí. Với cơ chế mới này, anh em có thể chơi game cho vui, hoặc try hard để có điểm số cao nhất, tùy sở thích.
Nếu zombies và multiplayer chưa làm anh em thỏa mãn, thì chế độ chơi thứ 3 của Black Ops 4 mới chính là thứ giữ chân người chơi lâu dài với game.
Blackout
Hai ba năm trở về trước, ai mà nghĩ được trào lưu Battle royale sẽ khiến cả những game như Call of Duty hay Battlefield học tập? Nhưng điều đó cuối cùng đã xảy ra rồi.
Điểm cộng của Blackout trong Black Ops 4 là, nó hoàn thiện, dễ chơi, không có những lỗi vụn vặt như nhiều game battle royale khác trên PC, đặc biệt là PUBG, ra mắt gần 2 năm vẫn còn sót lỗi. Cảm giác chạy nhảy, loot đồ, hành động hay tấn công một khu nhà đang có người trú ẩn bên trong rất khác so với những game khác. Nó diễn ra nhanh đến chóng mặt, hệt như thời lượng một game Blackout vậy, chỉ khoảng 15 đến 20 phút mà thôi.
Điểm mình thích nhất của Blackout là bản đồ của nó nhỏ, thích bay tới đâu cũng được, không nhất thiết phải loanh quanh đường bay như PUBG hay Fortnite. Sau khi bay ra những địa điểm xa để loot đồ, anh em kiếm xe hoặc thậm chí máy bay trực thăng để vào vòng siết. Fun fact: Ngoài khu vực an toàn, anh em sẽ đứng trong những vùng đất bị Nova 6, chất độc nổi tiếng trong Black Ops rò rỉ, khiến máu tụt dần đến khi không chịu được nữa và phải vào bên trong vòng siết.
Chất lượng của chế độ battle royale trong Black Ops 4 được Raven Software cùng Treyarch khẳng định. Nếu có lỗi, họ sẽ sửa trong một ngày, chứ không để dông dài như PUBG Corp. Đó chính là lý do vì sao khi game ra mắt chính thức, cảm giác gameplay mượt mà trơn tru hiếm có, được chỉnh sửa từ chính những giai đoạn alpha và beta test diễn ra hồi tháng 8 và tháng 9 vừa rồi. Cộng với việc gameplay dễ hơn hẳn so với PUBG, Blackout của Black Ops 4 dễ chơi dễ trúng thưởng hơn nhiều, nhưng để dành được top 1, vẫn cần tới óc chiến thuật để biết khi nào nên bắn, khi nào không nên bắn, và “tọa sơn quan hổ đấu”.
Nếu đủ liều mạng, anh em có thể mò vào những khu vực có zombie, nơi những vật phẩm xịn nhất được đặt trong đó để loot. High risk, high reward, y hệt khu vực School hay Hacienda Del Patron trong PUBG vậy. Việc zombie tồn tại trong Blackout khiến gameplay đôi lúc có chút kịch tính, nhưng không nhiều.
Vẫn tồn tại vài vấn đề với Blackout. Những thay đổi của chế độ chơi này đều phụ thuộc vào meta của vũ khí trong multiplayer, và cảm giác những món vũ khí chất lượng cao nhất trong chế độ chơi này gần như không đem lại quá nhiều khác biệt so với những khẩu SMG hay sniper rifle đầu game anh em nhặt được. Lý do là với gameplay bắn súng với recoil không quá cao như CS:GO hay PUBG, chỉ cần làm quen một chút là mọi vũ khí đều có thể đưa anh em đến với top 1.
Vấn đề thứ hai, có lẽ mình hơi quá khó tính nhưng dù map nhỏ chỉ bằng cỡ 1/4 so với PUBG, game vẫn có nhịp độ tương đối chậm chạp. Rất ít những pha đuổi bắt bằng xe và trực thăng để hạ gục đối phương như trong trailer. Trái lại, phương tiện hầu hết chỉ giúp anh em vào vòng bo mà thôi.
Chán, rồi lại cuốn hút, rồi lại chán, rồi lại…
Ấy là cảm nhận của mình với Black Ops 4. Nó đưa người chơi vào một cái vòng luẩn quẩn. Đầu tiên nhìn những trailer giới thiệu, thấy không có phần chơi đơn, mình thấy hơi hụt hẫng. Nhưng rồi tự tay chơi thử bản beta của Black Ops 4 và sau đó là Blackout, mình lại thấy có chút hy vọng vì game làm rất mượt mà, rất ưng mắt nữa.
Đến lúc game ra chính thức, chơi một cách hăm hở, có đêm chơi đến 4h sáng chỉ để đủ level mở khóa vũ khí mới, để rồi nhận ra game tốn quá nhiều thời gian. Nhưng đến lúc anh em rủ vào game chơi Zombie và Blackout, lại tiếp tục hăm hở vào game.
Bản thân Black Ops 4 đối với mình không phải một trò chơi để nghiền ngẫm một mình. Nó không có những triết lý sâu xa hay cốt truyện ấn tượng để trải nghiệm. Thay vào đó Treyarch tạo ra một phiên bản Call of Duty để anh em chơi cùng nhau, vui vẻ với nhau trong party, cho dù chế độ chơi là gì đi chăng nữa.
Với những món vũ khí và vật phẩm có thể mở khóa trong quá trình chơi, Black Ops 4 giữ chân người chơi ít nhất là trong 3 đến 4 tháng nếu chơi một cách chăm chỉ, mỗi tối về chiến game khoảng 2 đến 3 tiếng. Nhưng sau đó, game có còn sức hút hay không lại phụ thuộc vào việc nội dung game, những chế độ chơi mới, bản đồ Blackout mới hay màn chơi Zombie mới được giới thiệu. Đó từ trước tới nay vẫn luôn là cách Call of Duty giữ được sức hút từ năm này qua năm khác. Chán một chế độ, anh em có thể nhảy sang mode game khác, đến lúc chán lại về với chế độ cũ tiếp tục cày.
Một điều kỳ lạ là, trước giờ chưa thấy một phiên bản Call of Duty nào ra mắt trên console mượt mà đến vậy. Trên PC, game dễ bị crash khi anh em trải nghiệm game trong chế độ Specialist HQ, và bản thân game cũng đòi hỏi cấu hình không nhẹ chút nào, i7-4770K và 12GB RAM, chưa kể card đồ họa cũng phải đủ gánh lượng texture khá nặng của game nữa. Nhưng trên PS4, 60 FPS vẫn là 60 FPS, game vẫn mượt, gần như không có lỗi.
Giống hệt như iPhone, nếu không có thay đổi, Call of Duty chắc chắn không thể nào có được những cộng đồng fan đông đảo nhiệt thành như bây giờ. Với Black Ops 4, Treyarch đang đánh một canh bạc mà ban đầu, lợi thế có vẻ nghiêng rất lớn về phía họ. Thế nhưng giữa thời kỳ những game ra mắt có vòng đời vài năm trời cùng những cập nhật lớn, việc thay đổi đến chóng mặt như trường hợp của Black Ops 4 có giữ được chân các fan hay không lại là câu hỏi khó có lời giải đáp ngày một ngày hai.
Chí ít, những ngày đầu tiên game ra mắt, nó vẫn là một tác phẩm tuyệt hay rất đáng bỏ tiền mua key bản quyền và thời gian để thưởng thức.
Nguồn: tinhte.vn
0 nhận xét: